TOP những chấn thương thường gặp khi chơi thể thao và phương pháp phòng tránh
12/12/2023
Tập luyện thể thao giúp duy trì và nâng cao sức khỏe nhưng việc tập quá sức hoặc không đúng kỹ thuật dẫn đến nguy cơ chấn thương thể thao cao. May mắn thay, nhờ áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, hầu hết các chấn thương thường gặp trong thể thao đều có thể phục hồi hoàn toàn.
Chấn thương thể thao là gì?
“Chấn thương thể thao là thuật ngữ đề cập đến các loại chấn thương thường xảy ra nhất trong khi chơi thể thao hoặc tập luyện. Mặc dù bộ phận nào trên cơ thể cũng có khả năng bị thương trong lúc bạn vận động, nhưng thuật ngữ này chủ yếu đề cập đến những chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng. Chấn thương sọ não và tủy sống tương đối hiếm gặp khi chơi thể thao” – Theo ThS.BS Trần Anh Vũ
Các chấn thương trong thể thao thường xảy ra ở người trẻ tuổi và trẻ em. Theo ước tính của Stanford Children’s Health, mỗi năm có hơn 3,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị thương khi tham gia các hoạt động thể chất. Và ⅓ số ca chấn thương ở trẻ em cũng liên quan đến thể thao.
Phần thân dưới có nhiều khả năng bị thương nhất (42%). Chấn thương ở các chi trên chiếm 30,3% thương tích, còn lại là chấn thương ở đầu và cổ.
Chấn thương thể thao xảy ra khi tập quá sức, sai kỹ thuật hoặc sử dụng dụng cụ không phù hợp.
Các chấn thương thường gặp trong thể thao
Những chấn thương khi chơi thể thao phổ biến nhất là:
1. Bong gân mắt cá chân
Bong gân mắt cá chân là hiện tượng các dây chằng hỗ trợ khớp bị giãn ra quá mức. Chấn thương này xảy ra khi người chơi bị té ngã và lật bàn chân vào trong, gây trật mắt cá ngoài.
Các dấu hiệu bong gân mắt cá chân gồm:
- Mắt cá bị bầm tím, viêm nhiễm, sưng tấy;
- Không có khả năng cử động một chi hoặc khớp;
- Khớp lỏng lẻo, không ổn định.
Bong gân có thể tự khỏi sau vài ngày nhưng nếu không được chăm sóc tốt, nguy cơ tái phát rất cao.
2. Chuột rút
Đây là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho người bị thương không thể tiếp tục cử động được nữa. Mọi bắp thịt đều có khả năng bị chuột rút. Tuy nhiên, chuột rút thường xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân và cơ bụng.
3. Căng cơ
Căng cơ là tên gọi khác của tình trạng cơ bị kéo. Chấn thương này xảy ra khi cơ bị căng quá mức có thể dẫn tới rách cơ, chủ yếu là cơ bắp chân, gân kheo, háng, lưng dưới và vai. Các triệu chứng bao gồm: đau, sưng, yếu, khó hoặc không thể sử dụng cơ.
4. Chấn thương háng
Đây là tình trạng 1 trong 5 nhóm cơ chạy dọc theo đùi trong bị rách hay đứt khi chơi các môn thể thao cường độ cao như bóng đá, bóng chuyền, tennis… Nếu bị chấn thương háng, bạn sẽ cảm nhận được cơn đau dữ dội ở vùng háng, đùi, hông lan xuống đầu gối. Bạn cũng sẽ gặp khó khăn khi di chuyển và đi lại khập khiễng, khó có thể chạy nhảy hay vặn mình.
Những gì bạn cần làm lúc này là băng ép, chườm đá vùng bị chấn thương, đồng thời nghỉ ngơi hợp lý. Việc trở lại tập luyện quá sớm có thể khiến chấn thương nặng thêm.
5. Chấn thương đầu gối
Do có cấu tạo phức tạp và phải chịu tải trọng của cả cơ thể nên khớp gối thường bị chấn thương nhất. Các chấn thương đầu gối thường gặp trong thể dục thể thao là:
- Chấn thương đứt dây chằng chéo trước (ACL): Dây chằng chéo trước nằm ở trung tâm của đầu gối, có chức năng điều khiển chuyển động quay và chuyển động về phía trước của xương cẳng chân. Chấn thương này xảy ra khi vận động viên tiếp đất sai kỹ thuật, đổi hướng di chuyển đột ngột, dừng lại nhanh chóng hoặc bị một cú va chạm trực tiếp vào đầu gối. Những người bị rách dây chằng chéo trước thường nghe thấy tiếng bật và sau đó cảm thấy đầu gối rất đau, sưng và không cử động được nữa.
- Chấn thương dây chằng chéo sau (LCP): So với dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau lớn và mạnh hơn nên khi gặp phải một lực tác động mạnh khiến cơ thể khuỵu xuống và dồn toàn bộ lực lên đầu gối, bạn mới bị rách dây chằng chéo sau. Các triệu chứng thường thấy là đau dữ dội vùng gối, đầu gối sưng và khớp gối lỏng lẻo.
- Chấn thương dây chằng chéo bên trong gối (MCL): Dây chằng chéo giữa nằm ở bên trong đầu gối, kết nối xương cẳng chân trên (xương đùi) với xương chày. Dây chằng chéo giữa bị rách trong trường hợp khớp gối bị đẩy sang một bên khi thực hiện một động tác sai hoặc chịu lực tác động mạnh trực tiếp vào đầu gối. Các triệu chứng thường thấy là đầu gối bị đau, sưng và khớp lỏng lẻo.
- Chấn thương xương bánh chè (Hội chứng Patellofemoral): xảy ra khi xương bánh chè không di chuyển một cách trơn tru, làm tổn thương mô dưới xương bánh chè. Vận động viên chạy bộ, bóng chuyền và bóng rổ là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải chấn thương này.
6. Chấn thương vai
Sai khớp vai, viêm hoặc rách vòng bít quay, viêm gân chóp xoay, vai đông cứng, tổn thương sụn viền khớp vai là những chấn thương vai thường gặp khi chơi thể thao. Triệu chứng thường gặp gồm: đau, sưng, cứng vùng vai; không thể cử động vai và cánh tay bình thường; khớp vai biến dạng…
Vận động viên chơi các môn thể thao sử dụng chi trên nhiều như bóng chuyền, tennis, bơi lội… có nguy cơ cao bị chấn thương vai.
7. Gãy xương
Gãy xương trong thể thao là tình trạng xương bị gãy do lực tác động mạnh từ bên ngoài. Xương có thể gãy theo chiều dọc, chiều ngang, ở nhiều vị trí hoặc gãy thành nhiều mảnh. Dấu hiệu gãy xương gồm: âm thanh lạo xạo dưới da khi chấn thương xảy ra, đồng thời vị trí xương gãy bị bầm tím, sưng đỏ, biến dạng. Bạn cũng không thể vận động linh hoạt tại nơi bị gãy.
8. Viêm cân gan chân
Viêm cân gan chân là tình trạng viêm cơ bàn chân – dây chằng nối gót chân với mặt trước của bàn chân, hỗ trợ vòm bàn chân. Triệu chứng thường gặp có thể là cơn đau nhói vào buổi sáng khi rời khỏi giường, hoặc sau khi hoạt động. Các giải pháp hồi phục viêm cân gan chân gồm: nghỉ ngơi, chườm đá, dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và các bài tập giãn cơ đặc biệt.
9. Viêm gân Achilles (A-sin)
Viêm a-sin (gân gót) là tình trạng viêm gân gót chân gây đau, sưng và cứng. Cơn đau trở nên tồi tệ hơn sau khi vận động, có thể dẫn đến tình trạng rách hoặc đứt gân gót. Trong một số trường hợp, các gai xương có thể phát triển bên trong gót chân.
10. Chấn thương vùng đầu
Chấn thương vùng đầu, đặc biệt là chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn vào đầu, gây tổn thương hộp sọ và những cấu tạo khác bên trong hộp sọ.
11. Chấn thương tủy sống
Đây là tình trạng tổn thương đối với các dây thần kinh trong ống tủy sống. Phần lớn các trường hợp tổn thương tủy sống có nguyên nhân do chấn thương cột sống, từ đó gây ảnh hưởng tới khả năng của tủy sống trong việc gửi và nhận tín hiệu từ não tới các hệ của cơ thể điều khiển cảm giác, vận động và chức năng tự trị của cơ thể dưới mức tổn thương.
Nguyên nhân gây chấn thương khi tập thể thao, thể dục
Bất kỳ ai cũng có khả năng gặp phải chấn thương trong các hoạt động thể dục thể thao, nhưng một số yếu tố sau đây khiến bạn hoặc người thân có nguy cơ cao bị chấn thương:
Nguyên nhân thuộc về người chơi
- Tuổi tác: Nguyên nhân gây ra chấn thương ở tuổi trẻ là ít kinh nghiệm, thể chất chưa phát triển đầy đủ. Trong khi với tuổi lớn là do đã già, phản ứng chậm. Thông thường, người chơi thể thao từ 30 tuổi trở lên, phản ứng đã bắt đầu kém dần.
- Thể trạng: Người có thể trạng yếu thường dễ bị tổn thương hơn người có thể lực đầy đủ. Ngoài ra, người to béo cũng dễ bị chấn thương.
- Trình độ tập luyện: Nếu tình trạng sung sức không đầy đủ hoặc phản xạ không đủ linh hoạt để xử lý tình huống, người chơi thể thao rất dễ bị chấn thương.
- Thời kỳ trong giải đấu: Giai đoạn bắt đầu vào giải và giai đoạn cuối giải là các thời kỳ được các chuyên gia đánh giá là nhiều chấn thương nhất.
- Khởi động sai cách: Người chơi mắc các sai lầm khi khởi động như khởi động không đủ thời gian và cường độ, cơ thể chưa theo kịp; không tuần tự từ đơn giản tới phức tạp, từ nhẹ tới mạnh, từ chậm tới nhanh.
- Thay đổi cách tập luyện thi đấu: Một số sự thay đổi trong cách tập luyện thi đấu cũng dễ dẫn tới chấn thương như:
- Tập luyện trở lại sau thời gian nghỉ do bệnh hoặc do nghỉ hè, cơ thể chưa đáp ứng kịp. Tất cả các mô, các cơ quan cần thời gian tuần tự lâu hơn để thích nghi.
- Phối hợp thêm những môn thể thao mới trong khi cơ thể chưa quen với môn này.
- Gặp đối thủ có trình độ cao hơn vượt bậc.
- Thi đấu với cường độ quá tải.
- Kỹ thuật thi đấu, tập luyện có sai sót: Do huấn luyện viên sơ hở hoặc do trình độ của người chơi chưa đủ hoặc đánh giá đối thủ chưa đúng.
- Yếu tố tâm lý: Tình trạng stress kéo dài hoặc áp lực trong khi tập luyện, thi đấu là những yếu tố làm người chơi thiếu tập trung, dễ dẫn tới chấn thương ngoài ý muốn.
- Có dị tật từ trước: Các dị tật như chân vòng kiềng, bàn chân lõm, tay cán giá… rất dễ làm người chơi bị chấn thương khi tập luyện và thi đấu.
- Thói quen xấu: Người chơi thể thao lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích.
- Có bệnh từ trước: Bệnh gout, viêm khớp dạng thấp, đau răng, cảm lạnh…
- Dinh dưỡng không đảm bảo hoặc bị thiếu ngủ.
Nguyên nhân thuộc về môi trường
- Khí hậu quá nóng hoặc quá lạnh: Thông thường cơ thể của vận động viên sẽ cần từ 2 – 3 tuần để thích ứng với khí hậu tại nơi tập luyện, thi đấu. Tuy nhiên, thực tế, không phải lúc nào vận động viên cũng có đủ thời gian để cơ thể thích nghi trước khi chơi thể thao.
- Sân tập quá cứng hoặc lầy lội.
- Nơi tập luyện, thi đấu ở vùng cao, lượng oxy kém, cơ thể không có đủ thời gian để thích nghi.
Nguyên nhân thuộc về trang bị dụng cụ
- Giày tập không phù hợp: Giày quá chật, rộng và nặng.
- Vợt không phù hợp: Vợt quá nặng, ngắn, dài, rộng, hẹp…
- Chọn dụng cụ trang bị sai cách hoặc bị thiếu: Tùy theo bộ môn, người chơi cần chọn các dụng cụ hỗ trợ phù hợp. Việc chọn sai hoặc thiếu dụng cụ có thể dẫn tới nhiều chấn thương ngoài ý muốn
Phương pháp chẩn đoán
Nhiều chấn thương thể thao gây ra cảm giác đau đớn hoặc khó chịu ngay lập tức. Ngược lại, một số loại chấn thương chỉ có thể nhận thấy sau một thời gian dài. Do đó, nếu thường xuyên chơi thể thao, bạn cần kiểm tra sức khỏe xương khớp định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm chấn thương.
Trong quá trình khám, bác sĩ thường áp dụng các bước sau:
- Kiểm tra thể chất: Bác sĩ sẽ cố gắng di chuyển khớp hoặc bộ phận bị thương trên cơ thể bạn. Việc làm này giúp họ phán đoán được mức độ chấn thương.
- Hỏi tiền sử bệnh: Bạn cần chuẩn bị thông tin cho những câu hỏi như bạn bị thương như thế nào, trong lúc đang làm gì, đã sơ cứu vết thương ra sao, áp dụng phương pháp điều trị nào chưa…
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, MRI, chụp CT và siêu âm giúp bác sĩ xem xét vết thương rõ nhất, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác.
Cách điều trị chấn thương trong thể thao thế nào?
Quá trình điều trị phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Đối với những chấn thương cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp RICE. (3) Đây cũng là những bước sơ cứu chấn thương khi chơi thể thao, thể dục cơ bản mà chúng ta cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị đưa vận động viên tới bệnh viện gần nhất:
- R – Rest (Nghỉ ngơi): Hạn chế các lực tác động lên vùng bị thương. Điều này đồng nghĩa với bạn cần tạm ngừng các hoạt động thể thao, đồng thời giảm tối đa thời gian di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn.
- I – Ice (Chườm đá): Nước đá rất hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng sưng và viêm cũng như giúp giảm đau rất nhiều. Nhiều vận động viên bị chấn thương cấp tính tiết lộ họ không cần dùng thuốc giảm đau mà chỉ chườm lạnh 2 – 3 giờ/lần, mỗi lần 15 – 30 phút trong vòng 72 giờ xảy ra chấn thương.
- C – Compress (Băng ép): Băng bó, ép chặt vùng chấn thương giúp hạn chế sưng và trì hoãn việc điều trị bệnh trong thời gian ngắn. Bạn sẽ được quấn một dải băng quanh vùng bị sưng. Nếu cảm thấy đau nhói hay quá chặt, hãy lên tiếng để bác sĩ nới lỏng. Băng ép quá chặt sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chấn thương.
- E – Elevate (Nâng cao): Nâng cao phần chi bị thương cũng có tác dụng trong việc giảm sưng, đau và viêm. Chẳng hạn, nếu bạn bị bong gân mắt cá chân, hãy nằm trên giường rồi gác chân lên gối, sao cho phần bị thương cao hơn so với toàn bộ cơ thể. Sau một hoặc hai ngày điều trị theo cách này, những chấn thương ở mức độ nhẹ như bong gân sẽ dần hồi phục.
Sau thời gian chữa bệnh ban đầu bằng phương pháp RICE, bác sĩ sẽ xác định có cần điều trị bổ sung để hồi phục hoàn toàn chấn thương hay không. Các phương pháp xử lý có thể được áp dụng gồm:
- Cố định vết thương bằng nẹp hoặc bó bột
- Thuốc uống giảm đau
- Thuốc tiêm giảm đau, chẳng hạn như tiêm cortisone
- Vật lý trị liệu
- Phẫu thuật
Phòng tránh chấn thương khi chơi thể thao
Cách tốt nhất để ngăn ngừa chấn thương khi tập thể dục là khởi động đúng cách để làm ấm cơ. Khi cơ lạnh dễ bị căng quá mức dẫn đến rách, ngược lại, cơ ấm sẽ linh hoạt hơn. Chúng có thể đảm nhận tốt các chuyển động nhanh, uốn cong và dừng đột ngột, giảm tải nguy cơ chấn thương.
Theo ThS.BS Trần Anh Vũ, tuân thủ những hướng dẫn sau giúp bạn phòng tránh chấn thương hiệu quả:
Tạo điều kiện tốt giúp ngăn ngừa chấn thương
- Tập luyện ít nhất 3 tuần trước khi thi đấu lần đầu.
- Chuẩn bị đầy đủ thiết bị che chở để tránh lạnh hoặc tránh nóng.
- Giữ ấm cơ thể.
- Cần thay người khi có tổn thương.
Huấn luyện kỹ lưỡng
- Vận động viên cần hiểu rõ và theo sát các luật lệ trong luyện tập và thi đấu.
- Tinh thần đồng đội và trách nhiệm cao.
- Đảm bảo tuân thủ chỉ dẫn của huấn luyện viên trước, trong và sau trận đấu hoặc khi tập luyện.
Chuẩn bị thiết bị dụng cụ phù hợp
- Dụng cụ phải được bảo quản tốt, đảm bảo thay mới kịp thời.
- Sân tập cần được bảo dưỡng, chăm sóc tốt.
Chăm sóc y tế tốt
- Đội ngũ y tế cần có mặt lúc tập luyện và thi đấu.
- Mỗi vận động viên cần có hồ sơ sức khỏe đầy đủ.
- Các chấn thương cần được chăm sóc tốt.
- Hạn chế sử dụng chung dụng cụ (bảo vệ hoặc tập luyện).
- Đảm bảo chích ngừa đầy đủ (sốt bại liệt, sởi, phong đòn gánh, bạch hầu, ho gà, đậu mùa, thương hàn, viêm gan siêu vi).
- Chú ý chăm sóc các tổn thương ở da, phòng ngừa bằng cách giữa chân tay khô, tránh mặc quần áo quá bó sát, không mang giày chật, rửa sạch tay và chân bằng xà phòng sau mỗi trận đấu hoặc lúc tập luyện, tránh sử dụng chung khăn. Bạn không nên xem thường các tổn thương da vì có ảnh hưởng lớn tới khả năng thi đấu.
- Sử dụng kháng sinh: Kháng sinh rất hữu ích trong việc điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, chúng cũng có các giới hạn và những bất lợi như không chữa trị được các bệnh nhiễm virus (sởi, cảm lạnh, viêm gan siêu vi…); có thể xuất hiện phản ứng phụ (nổi mẩn, chóng mặt, sốc phản vệ nặng); càng sử dụng nhiều càng có dấu hiệu lờn thuốc; có hại cho vi khuẩn đường ruột (gây rối loạn tiêu hóa); không có một trụ sinh cho tất cả khuẩn trùng; chỉ được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin, định nghĩa bạn cần biết về những chấn thương thể thao, thể dục thường gặp nhất. Khi gặp các dấu hiệu tổn thương này khi chơi thể thao, hãy nhanh chóng đến các cơ sơ y tế, bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dược phẩm Khang Lâm – thương hiệu phân phối dược phẩm sở hữu hệ thống dịch vụ tư vấn chu đáo cùng chuỗi sản phẩm nhập khẩu độc quyền duy nhất tại Việt Nam – phát triển với sứ mệnh: "Đưa chất lượng Châu Âu đến với sức khỏe Việt”
• Địa chỉ: Số 11, Phố Nhà Thờ, Phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Việt Nam
• Văn phòng: BT12 Khu Biệt thự liền kề (sau chung cư Thanh Bình), Đường Nguyễn Cảnh Dị, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, Việt Nam
• Gmail: duocphamkhanglam@klapharma.com.vn
• Hotline: 0394248989
• Facebook: https://www.facebook.com/DuocphamKhangLam/
Mua hàng tại: Shopee